Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

 Việt Nam được thế giới biết đến là một đất nước với một nền nông nghiệp lâu đời, phát triển từ rất sớm. Do vậy, từ lâu cây lúa đã xuất hiện và trở thành lương thực chính trong đời sống của người Việt.

Cây lúa có mặt ở Việt Nam và trên thế giới từ bao giờ vẫn còn là một câu hỏi lớn. Không ai biết được chính xác, cụ thể thời gian và không gian. Có lẽ chúng xuất hiện cùng với những ngày đầu con người biết đến trồng trọt.

Lúa là một trong số cây lương thực chính của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Trên chặng hành trình trải dài từ miền Bắc vào đến trong Nam, không có nơi đâu là thiếu vắng hình ảnh những cánh đồng lúa mênh mông trải dài vô tận. Có rất nhiều các loại giống lúa khác nhau phù hợp với đặc điểm khí hậu và địa hình của mỗi vùng miền như: Nếp 97, xi, quy…Tuy khác nhau về giống nhưng chúng đều có chung đặc điểm. Lúa thuộc họ cây thân mềm, rễ chùm, dài. Thân lúa thường mọc thẳng. Lá lúa dài như lưỡi kiếm, mặt lá nhám. Khi còn non thì mang màu xanh mỡ màng, lúc chín, lá lúa khoác trên mình chiếc áo vàng óng ả, cùng với hương thơm ngào ngạt của bông lúa chín tạo nên một nét vẽ thôn quê bình yên đến lạ, mang đậm hồn dân tộc. Bông lúa nằm phía ngọn cây, mọc thành từng chùm, sau sinh trưởng và thành hạt lúa. Hạt lúa được người nông dân xay xát và trở thành hạt gạo. Cây lúa là loại cây chủ yếu sống dưới nước. Nếu thiếu nước, lúa không thể phát triển bình thường được.

Thuyết minh về cây lúa nước

Quá trình sinh trưởng của lúa chia làm 3 thời kỳ. Khi mới cấy, cây lúa còn là những cây mạ trưởng thành. Người nông dân tiến hành nhổ cấy trên các thửa ruộng. Những ngày đầu, lúa phát triển có hơi chậm chắc vì còn chưa quen thuộc với môi trường sống. Thân cây lúc đó mảnh mai và yếu ớt, dài khoảng 20cm, với 4, 5 chiếc lá nhỏ xanh non. Khoảng thời gian sau đó, ước chừng một tháng, lúa đã trưởng thành và được người dân yêu quý gọi với cái tên lúa đang trong thời con gái vì đây là giai đoạn mà cây lúa phát triển nhất: Đẻ nhánh và làm đòng. Chiều cao của chúng bây giờ đã khoảng 50-60cm với nhiều lá xanh đậm sắc, dài ôm chặt lấy thân. Bên trong là những chiếc đòng trắng ngần, tinh khiết. Cuối cùng là thời kỳ lúa trổ bông và làm mẩy. Đây là giai đoạn cây lúa vươn cao nhất, khoảng 80-100cm, thân cây cứng cáp. Mỗi cây lúa cho một bông, chừng 200 hạt, mỗi hạt là một bông hoa. Thời kỳ trổ bông, lúa giữ gìn từng cánh hoa, thơm phức rồi nhờ gió thụ phấn cho nhau. Khoảng một tuần sau, lúa làm mẩy và chín dần. Những bông lúa trĩu nặng, vàng ươm dưới ánh mặt trời khiến cánh đồng quê trở nên đẹp lung linh như dát vàng. Lúc đấy, lúa đã sẵn sàng chờ con người đến cắt mang về.

Để trồng ra những hạt gạo trắng ngần, dẻo thơm, người nông dân luôn phải tần tảo một nắng, hai sương, không quản ngại khó nhọc, tỉ mỉ ở mỗi một công đoạn: Từ khi chọn giống lúa sao cho đạt tiêu chuẩn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, chuẩn bị đất: Dọn cỏ, trục bùn cho đến gieo mạ, bón phân, quản lý và điều chỉnh lượng nước cho thích hợp với từng giai đoạn phát triển của lúa, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh hại. Khi lúa trổ bông rồi đến kỳ thu hoạch, người dân lại lam lũ ra đồng cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xát gạo. Chừng ấy công đoạn, chừng ấy nỗi vất vả, tảo tần, kể làm sao cho hết!

Lúa tuy nhỏ bé nhưng có rất nhiều công dụng. Hạt gạo được coi là nguồn lương thực chính của người nông dân, một thứ không thể thiếu trong mâm cơm mỗi gia đình Việt, từ giản đơn đến sang trọng. Thân lúa ngày xưa thường được phơi cho khô để lợp nhà, bện chổi, làm chất đốt. Rơm còn là thức ăn chính của trâu, bò trong những ngày mùa đông giá rét. Người ta đôi khi còn dùng thân cây để ủ phân, cấy nấm. Hạt gạo qua chế biến còn trở thành những món ăn ngon lạ miệng. Hạt nếp xay thành bột để làm nên những loại bánh thơm ngon, hấp dẫn như bánh trôi, bánh tét, bánh giò…Bột gạo còn làm thành bánh phở, mỳ chũ. Nếp non làm nên thứ cốm dẻo thơm phảng phất dư vị nồng nàn của Hà Nội xưa cũ. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu lúa gạo ra thị trường quốc tế giúp làm tăng thu nhập của nền kinh tế quốc dân. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành đất nước xuất khẩu gạo lớn, đứng thứ 2 trên toàn thế giới, chỉ sau Thái Lan.


Người dân ta vẫn thường nói với nhau rằng: “Hạt lúa là hạt vàng”. Cây lúa không chỉ là nguồn lương thực nuôi sống con người mỗi ngày mà còn in dấu vẻ đẹp bình dị của hồn quê, vẻ đẹp tảo tần của con người, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương Việt Nam yêu dấu.

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

- Copyright © Đỗ Hoàng - Blogger Templates - Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -